Việc thúc đẩy sử dụng xe điện là động thái đem lại rất nhiều lợi ích cho Trung Quốc, đất nước chịu ô nhiễm không khí nặng nề vì lệ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Dù vậy, nó lại đem đến vấn đề khác.
Theo trang Quartz, chỉ trong vài năm, Trung Quốc trở thành thị trường xe điện lớn nhất thế giới nhờ trợ cấp từ chính phủ. Năm 2016, nước này có 336.000 ô tô điện mới đăng ký, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). Con số này bao gồm cả các loại ô tô chỉ chạy bằng pin và ô tô hybrid. Tính cả các loại phương tiện không chạy bằng nhiên liệu hóa thạch khác, Trung Quốc cho hay họ bán được tổng cộng nửa triệu phương tiện chạy bằng “năng lượng mới”. Cũng trong tháng này, Bắc Kinh thông báo sẽ đến lúc họ hoàn toàn ngừng bán xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch.
Dù vậy, thị trường tăng trưởng nhanh này cũng sản xuất pin với tốc độ chóng mặt. Theo Chủ tịch Brunp Group Li Changdong, nhà tái chế pin xe điện hàng đầu Đại lục trong năm qua, tuổi thọ trung bình của pin lithium-iron phosphate (LFP), loại pin được dùng nhiều trong thị trường ô tô điện Trung Quốc, là 5 năm. Hầu hết pin được lắp đặt trên xe điện trong giai đoạn 2012 - 2014 sẽ “hết hạn” vào khoảng năm 2018. Đến năm 2020, gần 276.000 tấn pin sẽ “về hưu”, Viện Công nghiệp GaoGong ở Thâm Quyến nhận định.
Pin là trọng tâm trong ngành công nghiệp xe điện và Trung Quốc cần hệ thống tái chế pin tốt, quan chức công nghiệp và công nghệ hàng đầu Đại lục Xin Guobin cho hay. Song việc tái chế số pin này không đơn giản vì nó bao gồm nhiều quy trình hóa học phức tạp. Nếu không được tái chế đúng cách, kim loại nặng trong pin có thể làm ô nhiễm đất, nước.
Theo chính sách pin xe điện 2015 của Trung Quốc, các nhà sản xuất ô tô có nghĩa vụ tái chế pin, song nhiều nhà sản xuất thường đẩy nghĩa vụ này cho các nhà cung ứng pin - các công ty thường gặp khó trong việc chi trả chi phí xây dựng mạng lưới tái chế quốc gia, theo tờ Economic Information Daily. Hiện tại, ngành công nghiệp tái chế pin của Đại lục còn tương đối nhỏ và rải rác với chi phí vận hành hoạt động tái chế cao, giám đốc trung tâm nghiên cứu pin lithium Gao Xiaobing ở GaoGong cho biết. Điều này càng khiến không nhiều doanh nghiệp muốn nhảy vào ngành tái chế pin.
Đại lục không phải nước duy nhất sắp đau đầu vì chuyện tái chế pin. Ở châu Âu, chỉ 5% số pin lithium-ion, một loại pin phổ biến khác được dùng trong xe điện được tái chế, theo dữ liệu từ nhóm vận động vì môi trường Friends of the Earth Europe. Nhóm này cho biết hầu hết số pin lithium hiện tại đều chỉ được chôn hoặc đốt.
Theo Thu Thảo (Thanh Niên Online)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét